Tháng 5/1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng H. Nava sang làm Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Được đánh giá là một tướng tài của Pháp, có tri thức và nhãn quan chiến lược, Nava đã vạch ra kế hoạch quân sự mới với hi vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Đánh giá về kế hoạch này, Thủ tướng Pháp - Lanien nói: “Kế hoạch Nava chẳng những được Chính phủ Pháp mà cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép hy vọng đủ mọi điều!”.
Trước tình hình đó, cuối tháng 9/1953, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn về chủ trương chiến lược trong đông - xuân 1953 - 1954. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, trong đông - xuân 1953 - 1954, quân ta mở một loạt chiến dịch tiến công địch ở hầu khắp các chiến trường Đông Dương. Cuộc tiến công làm cho kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta; một trong những nơi đó là Điện Biên Phủ. Quân viễn chinh Pháp gấp rút điều động các đơn vị cơ động nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ - vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương; xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất với ý đồ thách thức quân, dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta. Sau khi được xây dựng, Điện Biên Phủ được đánh giá là “con nhím khổng lồ giữa núi rừng Tây Bắc”, là tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh, một “pháo đài không thể công phá”, là “cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh”. Thực dân Pháp tin rằng chúng sẽ làm nên một “Vécđoong của thế kỉ XX”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Trường Chinh (giữa) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Như vậy, một cuộc đọ sức, đọ trí, đọ tài giữa ta và địch tất sẽ diễn ra trong trận quyết chiến chiến lược tại địa bàn mà cả hai bên đều đã lựa chọn, đó là Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận.
Trên chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc”, thể hiện tài thao lược, tinh thần trách nhiệm cao và lòng quả cảm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân, toàn quân.
Chiều 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu và trải qua 3 đợt:
Đợt 1 (13 à 17/31954), ta đập tan thế trận phòng ngự vòng ngoài của địch ở phía bắc và Đông Bắc, mở đầu bằng trận Him Lam, tiếp đó tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập, bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch.
Đợt 2 (30/3 à 30/4), sau hơn 10 ngày xây dựng trận địa tiến công và bao vây với hàng trăm kilômét hào giao thông, hàng ngàn công sự và ụ súng các loại, ta tiến công diệt các cứ điểm E, D1, D2, C1 trên dãy đồi phía đông và 106, 311 trên hướng Tây - Bắc sân bay Mường Thanh, nhưng đánh cứ điểm A1 và các cứ điểm C2, 105 không thành công, bị địch phản kích chiếm lại nửa đồi C1.
Từ 16/4 ta phát triển trận địa bao vây, tiến công, đánh lấn diệt các cứ điểm 105, 206, đào hào cắt đôi sân bay Mường Thanh, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch nhằm giành lại sân bay, kết hợp bắn tỉa và đưa pháo phòng không xuống cánh đồng Mường Thanh khống chế rồi triệt hẳn tiếp tế đường không của địch.
17h30 phút ngày 13-3-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp
ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đợt 3 (01 à 7/5), ta lần lượt đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông (C1, C2 và A1), diệt một số cứ điểm ở phía Tây, tăng cường vây ép phân khu Hồng Cúm, bao vây uy hiếp SCH trung tâm, dập tắt hy vọng rút chạy của địch; 15 giờ 07/5 tổng công kích vào trung tâm Mường Thanh, bắt tướng Đờ Catxtơri và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm, buộc số địch còn lại ở phân khu trung tâm phải đầu hàng, truy kích và bắt gọn bộ phận địch ở Hồng Cúm địch rút chạy.
17h30' ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm
của chỉ huy lực lượng Pháp, Tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương; Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một Đảng Mác-xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được Nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần.
Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh anh dũng của các anh hùng dân tộc, của thế hệ cha ông vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổ Lịch sử - Địa lí
Tác giả: CHUYÊN HẠ LONG