DI SẢN VĂN HÓA - TÀI SẢN MUÔN ĐỜI - NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN
Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa X, kì họp thứ 9 thông qua đã khẳng định “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”.
Nghị quyết 03/NQ-TW Hội nghị lần thứ V - BCHTWĐ khóa VIII đã xác định 10 nhiệm vụ về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, nhiệm vụ thứ tư là bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng, bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồn cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lí dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”.
Việt Nam - vùng đất của di tích lịch sử, của di sản văn hóa vô cùng đặc sắc, từ bắc vào Nam theo bước chân đi mở cõi của các bậc tiền nhân, từ vùng núi cao tới duyên hải, đồng bằng, hải đảo…đâu đâu cũng có di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Hàng vạn di tích là nguồn tài nguyên vô giá cho khai thác du lịch bền vững, là giáo án sống động để giáo dục toàn mĩ mọi thế hệ công dân.
Theo số liệu đã được kiểm kê, lập danh mục (theo quy định của Luật Di sản văn hóa), cả nước hiện có gần 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắc các vùng miền trong cả nước. Trong đó có 95 di tích quốc gia đặc biệt, 3.329 di tích quốc gia, 9.857 di tích cấp tỉnh, thành phố
Trong tổng số 95 di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng, Hà Nội là địa phương sở hữu 12 di tích quốc gia đặc biệt, Quảng Ninh có 5 di tích quốc gia đặc biệt, tiếp đó là các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương với 04 di tích quốc gia đặc biệt; Cao Bằng, Bắc Giang, Bình Phước đều có 3 di tích quốc gia đặc biệt; có tới 36 di tích thuộc vùng châu thổ sông Hồng. Các Di sản thế giới tại Việt Nam đều được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong số 95 di tích quốc gia đặc biệt có 8 di tích và danh lam thắng cảnh tiêu biểu, mang giá trị độc đáo và nổi bật toàn cầu đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới gồm: Quần thể di tích Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Khu phố cổ Hội An (1999, Khu di tích Chăm - Mỹ Sơn (1999), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003 - 2015), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010), Thành nhà Hồ (2011), Quần thể danh thắng Tràng An (2014). Ngoài ra, Việt Nam đã có 8 khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO ghi vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới: Rừng ngập mặn Cần Giờ, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Quần đảo Cát Bà, Châu thổ sông Hồng, Ven biển và biển đảo Kiên Giang, Miền Tây Nghệ An, Mũi Cà Mau, Cù lao Chàm; Riêng Cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất Toàn Cầu
Trong số 95 di tích quốc gia đặc biệt có thể phân chia cụ thể theo loại hình như sau:
* 05 di tích danh lam thắng cảnh: Vịnh Hạ Long, Hồ Ba Bể, Vườn quốc gia Cát Tiên và Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Quần đảo Cát Bà.
* 03 di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật: Tháp Hòa Lai, Óc Eo - Ba Thê và Gò Tháp.
* 04 di tích khảo cổ: Cát Tiên, Hang Con Moong và các di tích phụ cận, Mộ cự thạch Hàng Gòn và Phật viện Đồng Dương.
* 05 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh: Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Yên Tử, Tây Thiên - Tam Đảo và Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương).
* 02 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ: Thành nhà Hồ và Cổ Loa.
* 01 di tích lịch sử và khảo cổ: Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
* 13 di tích kiến trúc nghệ thuật: Tháp Po Klong Garai, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Keo, Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đình Tây Đằng, Chùa Vĩnh Nghiêm, Đền Sóc, Chùa Tây Phương, Tháp Chăm Dương Long, Tháp Bình Sơn, Đình Hoành Sơn và Đình Chèm.
* 15 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật: Cố đô Hoa Lư, Quần thể kiến trúc Cố đô Huế, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đền Trần - Chùa Phổ Minh, Lam Kinh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Phù Đổng, Chùa Dâu, Chùa Thầy, Đền Bà Triệu, Chùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp, Đền Trần Thương, Phố Hiến, Chùa Bổ Đà, Chùa Đọi Sơn và Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia.
* 46 di tích còn lại là các di tích lịch sử đơn thuần: Đền Hùng, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chiến trường Điện Biên Phủ, Dinh Độc Lập, Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, Nhà tù Côn Đảo, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng, Pác Bó, Tân Trào, An toàn khu (ATK) Định Hóa, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Bạch Đằng, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Đền Hai Bà Trưng, Đền Hát Môn, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, Rừng Trần Hưng Đạo, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Chiến thắng Chương Thiện, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Địa điểm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Nhà tù Sơn La, Trại giam Phú Quốc, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn, Khởi nghĩa Bắc Sơn, An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đồng Khởi Bến Tre, Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Đền Cửa Ông, Văn miếu Mao Điền, Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 và Thành Điện Hải.
Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, đất nước ta còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về văn hóa, khoa học. Theo tổng hợp từ các báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước, hiện chúng ta có 59.279 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 202 di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia qua 17 đợt công bố. Đến nay, Việt Nam có 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. UNESCO cũng đã ghi danh 06 di sản tư liệu thuộc chương trình Kí ức thế giới, gồm: Mộc bản triều Nguyễn (2009); Bia tiến sĩ - Văn Miếu Thăng Long tại Văn Miếu - Hà Nội (2010, 2011); Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường Phúc Giang (2016).
Cùng với niềm tự hào được sở hữu trực tiếp Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn có một kho báu khổng lồ vô giá khác là Di sản văn hóa của 22 dân tộc sinh sống và lao động sáng tạo trên mảnh đất này hàng ngàn năm qua.
* Hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh
Theo Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh, tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 609 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh. Trong đó có 4 khu di tích quốc gia đặc biệt[1], 54 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 79 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 472 di tích kiểm kê, phân loại, trong đó không ít di tích nằm ở các huyện miền núi, biên giới và có nhiều đồng bào dân tộc.
Trong đó, đặc biệt có Vịnh Hạ Long 2 lần được Tổ chức UNESCO tôn vinh là Di sản thiên nhiên thế giới. 5 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Thắng cảnh Vịnh Hạ Long (đợt 1, năm 2009), Di tích và danh thắng Yên Tử, Di tích lịch sử Bạch Đằng (đợt 3, năm 2012), Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích Đền Cửa Ông - Cẩm Phả (2018).
Ngoài ra cả tỉnh có gần 500 di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật... gắn với nhiều lễ hội truyền thống; có những di tích nổi tiếng như Đình Trà Cổ (Móng Cái), Đền Cửa Ông - Cẩm Phả, Chùa Long Tiên (TP Hạ Long), Đệ tứ chiến khu Đông Triều, đình Quan Lạn, chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn)…
Di tích văn hóa nổi bật, gồm: di tích văn hóa Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng, Đền Cửa Ông, Đình Quan Lạn, Đình Trà Cổ, núi Bài Thơ...
Di tích lịch sử nổi tiếng, gồm: Bãi cọc Bạch Đằng, Thương cảng Vân Đồn, Khu quần thể di tích lăng các vua Trần, Quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
* 363 di sản văn hóa phi vật thể
Cũng theo thống kê của Sở VH - TT, Quảng Ninh có 363 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 76 lễ hội dân gian truyền thống, 4 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Nổi bật là điệu hát Then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Các làn điệu Then nổi tiếng gồm Then cầu chúc, Then giao duyên và Then ca ngợi quê hương, đất nước, con người… Không những thế, từ những năm 60 của thế kỷ XX trở lại đây, còn xuất hiện loại hình “Diễn xướng Then văn nghệ”, là hình thức diễn xướng văn nghệ thông thường, được tách ra từ một bộ phận của diễn xướng Then nghi lễ.
Bên cạnh hát Then, các loại hình nghệ thuật diễn xướng khác ở Quảng Ninh cũng rất phong phú bao gồm: Hát đối, hát giao duyên trên thuyền của cư dân làng chài Cửa Vạn (thành phố Hạ Long), ở xã Thắng Lợi (huyện Vân Đồn), hát đúm ở đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên), hát Soóng cọ của người Sán Chỉ (huyện Bình Liêu và Tiên Yên); hát dân ca Dao (ở Hoành Bồ và Uông Bí); hát nhà tơ, hát - múa cửa đình ở Vạn Ninh (thành phố Móng Cái), xã Đoàn Kết (Vân Đồn), xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà)...
* Ý thức bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
Trong những năm qua, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh đã phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian tỉnh tích cực vào cuộc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành việc sưu tầm, khảo cứu và xuất bản công trình “Một số vấn đề về người Dao Quảng Ninh”, “Phong tục và nghi lễ vòng đời của người Sán Dìu Quảng Ninh”.
Quảng Ninh cũng là một điểm sáng trong công tác trùng tu, tu bổ di tích, nhất là việc huy động nguồn vốn xã hội hoá; không chỉ với di tích còn với cả phế tích. Tiêu biểu nhất phục hồi đình và lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày (xã Lục Hồn, Bình Liêu), đình Đồng Đình (xã Phong Dụ, Tiên Yên), thành công phục dựng các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng ở Thanh Lâm (Ba Chẽ)...
Không để di sản là vật chết, Quảng Ninh đã đưa việc khai thác bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống vào trong đời sống nông thôn làng xã, các trò chơi dân gian trong các lễ hội và thậm chí đưa cả vào trường học. Nhiều câu lạc bộ hát dân ca đã ra đời.
Bên cạnh phục dựng lễ hội truyền thống, Quảng Ninh còn tổ chức các lễ hội hiện đại quảng bá các giá trị truyền thống như: Lễ hội Canaval Hạ Long, Lễ hội Hoa sở (Bình Liêu), lễ hội Trà hoa vàng (Ba Chẽ), Lễ hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc (tại Tiên Yên)…
Nhiều di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Quảng Ninh cũng được Sở VH - TT và các địa phương phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng như: “Hát Soóng cọ” của người Sán Chỉ, “Hát Then - đàn Tính” của người Tày ở Bình Liêu, “Hát dân ca” và “Lễ cấp sắc” của người Dao ở Hoành Bồ , “Lễ Đại Phan” của người Sán Dìu, “Lễ hội cầu mùa” của người Sán Chỉ, “Lễ hội đình Làng Dạ” huyện Ba Chẽ, “Lễ hội đình Tràng Y” huyện Đầm Hà…
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh: Biến di sản văn hoá thành nguồn động lực vững chắc, tiềm năng phát triển kinh tế là cách bảo tồn và phát huy tốt nhất. Điều này cần sự chung tay vào cuộc của ngành văn hoá, các hội văn nghệ dân gian, lực lượng biên phòng, Ban Xây dựng Nông thôn mới, các địa phương và toàn xã hội.
Video clip Trải nghiệm sáng tạo tìm hiểu về Di sản Văn hóa của học sinh chuyên Sử - Địa
Trường THPT chuyên Hạ Long
[1] từ tháng 3 - 2018 là 5 di tích quốc gia đặc biệt (Đền Cửa Ông được công nhận)
Tổ Lịch sử - Địa lí
Tác giả: CHUYÊN HẠ LONG