Cách đây 76 năm, một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của cách mạng Việt Nam, đó là sự ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (đầu năm 1930), Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề cập tới việc tổ chức "Quân đội công nông". Trong Luận cương chính trị tháng 10/1930, Đảng cũng chỉ rõ nhiệm vụ "vũ trang cho công nông". Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, các "Đội tự vệ đỏ" đã ra đời. Từ năm 1939, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, Đảng chủ trương giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị để tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ đó các lực lượng vũ trang được thành lập như du kích Bắc Sơn, các trung đội Cứu quốc quân, các đội tự vệ vũ trang,…
Ngày 22/12/1944 tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
chính thức làm lễ thành lập. (Ảnh tư liệu)
Trước khi thành lập đội quân chủ lực thống nhất, Bác Hồ đã gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp bản Chỉ thị, trong đó Bác ghi: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền". Bác khẳng định: "Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam". Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, 17 giờ, ngày 22/12/1944 trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), trước sự chứng kiến của đại biểu Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đồng bào các dân tộc ở địa phương, được sự ủy nhiệm của Trung ương Đảng và Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã long trọng tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ban đầu Đội gồm có 34 chiến sỹ do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, toàn Đội đã tuyên đọc Mười lời thề danh dự nói lên lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, hết lòng phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức kỷ luật của Quân đội cách mạng. Mười lời thề của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã trở thành lời thề của Quân đội ta sau này. Thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ "Trong vòng một tháng phải có hoạt động" và "Trận đầu ra quân phải thắng", chỉ 2 ngày sau khi thành lập (24, 25/12/1944), Đội đã đánh tập kích vào hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng), tiêu diệt và bắt sống toàn bộ sỹ quan, binh lính, thu toàn bộ vũ khí, gây tiếng vang lớn, thể hiện tinh thần sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chỉ huy, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của của Quân đội ta.
Tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kì của Đảng quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân (15/5/1945). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn (9/1945), năm 1946 đổi tên là Quân đội Quốc gia Việt Nam và đến năm 1950 được đổi thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VI) đã quyết định lấy ngày 22/12 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đồng thời là ngày Hội Quốc phòng toàn dân.
76 năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, được sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam, vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Từ chiến công đầu Phai Khắt, Nà Ngần của những chiến sĩ chỉ với mũ nan, dép lốp, với gậy tầm vông, giáo mác nhưng đã dám xả thân quyết tiến công quân thù, mở đầu cho truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta, từ thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc (1947), chiến dịch Biên giới (1950) đến cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc để tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; từ những chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường, những chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Đường 9 - Nam Lào, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã cùng toàn dân làm nên những chiến công chói lọi, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Quân đội nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; thực hiện sáng tạo, có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo; đi đầu trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân.
Trải qua 76 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đối mặt với biết bao thử thách, khắc nghiệt, nhất là trước những bước ngoặt của cách mạng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù phải chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh; dù phải đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhất mực lòng trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động sáng tạo, mưu trí dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng, gắn bó máu thịt với nhân dân, nối tiếp lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng rỡ lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân khen tặng, xứng đáng là Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Là những thế hệ trẻ của đất nước, sinh ra và lớn lên trong thời bình, chưa thực sự hiểu hết những gian khổ, hi sinh của cha ông, nhưng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thanh niên, học sinh hôm nay luôn thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng ta bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng ta càng kính trọng và tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đã sinh thành, nuôi dưỡng và hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú, dũng cảm vượt lên muôn vàn mất mát thương đau, hết lòng đùm bọc, chở che, kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đánh giặc cứu nước.
Truyền thống, đạo nghĩa là những giá trị mà chúng ta phải ghi nhớ suốt đời. Đó là hành trang tư tưởng của mỗi đoàn viên, thanh niên trong học tập và rèn luyện. Noi gương các anh hùng liệt sĩ, các đoàn viên thanh niên phải biến truyền thống yêu nước và cách mạng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thành bản lĩnh và ý chí Việt Nam để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Phải phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, không ngừng học tập, ra sức “rèn đức luyện tài” để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh; để đền đáp công ơn, sự hi sinh của các thế hệ cha anh.
Tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ Trường THPT chuyên Hạ Long nói riêng nguyện sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống mà thế hệ đi trước đã thắp lên, sẽ là những anh Nguyễn Văn Thạc, bác sĩ Đặng Thùy Trâm của đất nước trong thời bình, sẽ giữ vững nền độc lập, hòa bình mà thế hệ cha anh đã mạng lại và góp phần xây dựng đất nước Việt Nam sánh ngang với cường quốc năm châu như điều Bác Hồ hằng mong ước. Đó là cách để hướng đến lý tưởng cao đẹp, hành động chân chính, góp phần đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ và vì hạnh phúc trường tồn của dân tộc.
Tổ Lịch sử - Địa lí
Tác giả: CHUYÊN HẠ LONG