Với ý chí và quyết tâm đó, ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Với nhãn quan chính trị sắc bén, Nguyễn Tất Thành không lựa chọn đi theo các bậc tiền bối tìm đến sự giúp đỡ của các quốc gia ở châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc..) mà Người tìm đến nước Pháp, đất nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Người lên đường với hai bàn tay trắng nhưng hành trang lớn nhất mang theo chính là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, ý chí quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Sau một thời gian ngắn ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình qua nhiều quốc gia, nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ, khó khăn nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, nửa thuộc địa và phụ thuộc.
Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 mở ra, Người đã khám phá ra chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc quay lại nước Pháp, sống ở Paris, tham gia những hoạt động của Đảng xã hội Pháp, tham gia hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp. Đặc biệt, sau khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin (7/1920), Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Luận cương của Lênin đã chỉ ra những điều mà Người đang tìm, tức là chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có cách mạng vô sản mới là con đường đúng đắn giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Sau khi tin theo con đường của Lênin, tham gia sáng lập Quốc tế Cộng sản, bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; Như vậy, từ một thanh niên yêu nước, Nguyễn Ái quốc đã trở thành một người chiến sĩ cộng sản. Đây là bước ngoặt quan trọng trước hết là của một con người, sau này là của cả một dân tộc.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc đã về đến Cột mốc số 108 (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại Pác Bó - Cao Bằng, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (5-1941), Hội nghị đã đưa ra những quyết định quan trọng, tạo bước ngoặt to lớn cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Trải qua những năm tháng đầy cam go, hiểm nguy, thử thách, với khát vọng giải phóng dân tộc cháy bỏng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với những hoạt động khẩn trương, tích cực, đầy sáng tạo và cùng với Trung ương Đảng, Người đã đưa ra những quyết sách nhằm thúc đẩy bánh xe lịch sử của cách mạng Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế tiến bộ của lịch sử nhân loại.
Không những thế, những sự kiện gắn liền với hoạt động của Người ngay sau khi trở về Tổ quốc đã để lại những bài học vô cùng quý giá: bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi…. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa, đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Kỷ niệm 131 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và 80 năm ngày Bác trở về nước cũng là thời khắc diễn ra một sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc và đất nước ta đó là ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là dịp để toàn dân ta thể hiện quyền làm chủ, để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, từ đó khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhân kỷ niệm 131 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và 80 năm ngày Nguyễn Ái Quốc về nước, Đảng bộ trường THPT chuyên Hạ Long quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như khẳng định vai trò và trách nhiệm trước lá phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển, mạnh giàu, xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như sinh thời Người hằng mong muốn.
Đảng bộ trường THPT chuyên Hạ Long
Tác giả: CHUYÊN HẠ LONG