Mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang nước ta được hình thành trong phong trào cách mạng 1930-1931 đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Đó là các đội tự vệ đỏ của quần chúng được lập ra để giữ gìn trật tự an ninh và bảo vệ những thành quả của cách mạng.
Chiến tranh thế giớ thứ hai bùng nổ, Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân ta chịu cảnh một cổ hai tròng buộc trói, hai tên đế quốc ra sức bóc lột nhân dân ta, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân vô cùng cơ cực. Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của toàn dân ta lúc này vì “Quyền lợi của các giai cấp bị cướp giật, vận mệnh dân tộc nguy vong không lúc nào bằng”. Cùng với công tác chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được Đảng và Nguyễn Ái Quốc hết sức coi trọng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn lực lượng vũ trang Bắc Sơn được Đảng ta duy trì nuôi dưỡng và ngày càng lớn mạnh.
Ngày 22/12/1944, theo Chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc tại cánh rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng đội Việt Nam Tuyên tryền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đội gồm 34 chiến sĩ được trang bị 34 khẩu súng. Mặc dù trang bị còn rất thô sơ nhưng họ là những chiến sĩ kiên trung nhất. Đây là đội quân đàn anh đầu tiên của cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đánh giá: Nó có thể đi từ Bắc đến Nam, đi khắp chiều dài đất nước.
Vừa thành lập, với tinh thần mưu trí, dũng cảm đội đã tiêu diệt được hai đồn giặc là Phay Khắt và Nà Ngần mở đầu truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với khí thế sôi sục của những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, theo chủ trương của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ ngày 15/5/1945 Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân.
Lực lượng vũ trang của ta tuy còn nhỏ bé nhưng đã góp phần quan trọng cùng với nhân dân cả nước chớp thời cơ “ Ngàn năm có một” với tinh thần dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập, đã đánh đổ xiềng xích thực dân, lật nhào ngai vàng phong kiến ngót ngàn năm lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước Công - Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà còn trong giai đoạn trứng nước đã đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Để phát triển lực lượng vũ trang, bảo vệ chính quyền cách mạng; ngày 22/5/1946, Vệ Quốc đoàn đã đổi thành quân đội quốc gia Việt Nam. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến mặc dù phải đương đầu với bao khó khăn thử thách nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, với tình quân dân như cá với nước, quân đội nhân dân Việt Nam đã lập lên những chiến thắng vẻ vang: Chiến thắng Việt Bắc 1947, chiến thắng Biên giới 1950... Trong thời gian này Đại đoàn 308, đại đoàn quân tiên phong của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập Cụm từ quân đội quân đội nhân dân Việt Nam có nghĩa là: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Sau đại đoàn 308 là đến các đại đoàn pháo binh 312. 320, 316...
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương thực dân Pháp phải thú nhận: Chúng đang bị Việt Minh lột hết áo, bây giờ là lột đến phần da. Trong thế thua đau đó Pháp cử tướng Nava sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tập đoàn Điện Biên Phủ mà Nava xây dựng được coi là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, một cối xay nghiền thịt. Pháp tin tưởng rằng sẽ nghiền nát chủ lực của ta. Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch. Với tinh thần quả cảm quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, với tinh thần chịu đựng gian khổ khó khăn “56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt máu trộn bùn non”. quân dân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, đập tan hoàn toàn kế hoạch quân sự của Nava buộc Pháp phải kí hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông dương. “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Tự hào về chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mỗi chúng ta luôn kính trọng và mãi biết ơn những chiến sĩ bình dị, khiêm tốn mà cao cả biết chừng nào, những người con không tiếc tuổi xuân thầm lặng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
“Tuổi tên gửi lại chiến trường/ Chỉ xin nắm đất bên đường Mường Thanh/ Những hồn liệt sĩ vô danh/ Gửi vào đất để màu xanh cho đời”.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được kí kết, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc được giải phóng tiến lên xây dựng CNXH. Miền Nam dưới ách thống trị của Mỹ Nguỵ và tay sai. Suốt chặng đường 21 năm với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai” hàng triệu, hàng triệu những chàng trai, những cô gái đã lên đường bổ sung cho các mặt trận Miền Nam, Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc kháng chiến thần thánh đó, bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để có được chiến thắng huy hoàng. Đâu là Ngã ba Đồng Lộc - 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh cả cuộc đời và tuối thanh xuân để bảo vệ cung đường giao thông cho xe vẫn qua, hàng và người vẫn về tới đích? Đâu là thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm khói lửa? Đâu là dòng sông Thạch Hẵn bao chiến sĩ trẻ măng đã vĩnh viễn yên nghỉ dưới đáy sông? Trong lưới lửa của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân dân ta đã anh dũng xốc tới đánh bại các chiến lược chiến tranh: Chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ. Tiêu biểu nhất đó là: Trong trận tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972, quân dân ta lập lên trận “Điện Biên Phủ trên không” đánh tan mưu đồ của Ních-xơn định dùng sức mạnh quân sự để ép ta phải nhân nhượng trên bàn đàm phán. Buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari rút quân đội về nước. Đây thực sự là trận đánh mang tính huyền thoại của quân đội ta. Pháo đài bay B52 - sức mạnh và niềm tự hào của không lực Hoa Kì đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Nhà Trắng nghe tin bàng hoàng tưởng như bị sét đánh ngang tai. (cần biết rằng vào thời kỳ đó Mỹ đã có trong tay cả kho vũ khí hạt nhân đủ sức huỷ diệt hơn 4 tỷ người trên trái đất, song Mỹ vẫn coi B52 là át chủ bài trong sức mạnh quân sự, lấy đó để hăm doạ thế giới ngay cả với Đồng minh của Mỹ). Ngày B52 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, tại trận địa Chèm còn khét nồng thuốc súng, Đại tướng - Bộ trưởng bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã đến bắt tay từng chiến sĩ, Đại tướng cảm động nói “Các đồng chí bắn B52 rất giỏi, các đồng chí đã cứu nguy cho dân tộc Việt Nam, cứu nguy cho đất nước Việt Nam”.
Điều gì đã khiến những chiến sĩ còn rất trẻ lớn lên ở nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước đã lập lên những điều kỳ diệu như vậy? Có thể nói rằng: chính lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã chắp cánh cho tuổi trẻ Thủ đô bay ngang tầm thời đại trở thành những Thánh Gióng, Thạch Sanh của thế kỷ XX.
Mỹ rút nhưng quân Ngụy còn đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử mùa Xuân 1975 với 3 chiến dịch lớn: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã xoá bỏ toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền của địch từ Trung ương đến địa phương thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”, thực hiện thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.
Nhìn lại chặng đường lịch sử của quân đội ta từ đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ, vũ khí chỉ là vài khẩu súng trường, súng kíp tự tạo, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. đến năm 1976 quân đội nhân dân Việt Nam đã có 1,1 triệu quân tinh nhuệ với đầy đủ các binh chủng, trang thiết bị và vũ khí hiện đại, là đạo quân đứng thứ 5 trên thế giới, cùng với toàn dân đánh tan hai cuộc chiến tranh xâm lược quy mô và hiện đại của Pháp và Mỹ được đi vào lịch sử thế giới là một trong những chiến công hiển hách, chói lọi của thế kỷ XX.
Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn học sinh!
Thời gian đã qua đi, vết thương chiến tranh dần khép lại, nhưng những âm hưởng hào hùng của một thời máu lửa vẫn sống mãi trong các thế hệ tiếp theo. Mỗi chúng ta đều mãi tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, biết ơn những người chiến sĩ: Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, và để rồi phát huy truyền thống đó trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. “Vui gì hơn làm người lính đi đầu” Tuổi trẻ trường THPT chuyên Hạ Long sẽ hát tiếp khúc quân hành, không ngừng phấn đấu trở thành những người lính tiên phong trên lĩnh vực tri thức, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ban tuyên truyền