Nhóm nghiên cứu Dự án khoa học thuộc lĩnh vực xã hội hành vi của hai học sinh Nguyễn Vũ Khoa (lớp 11 Toán) và Hà Phương Linh (lớp 10 Văn) đã lựa chọn đề tài Ảnh hưởng của việc sử dụng chatGPT đến học tập của học sinh THPT với mong muốn khảo sát thực trạng và đề ra những giải pháp hỗ trợ học sinh khai thác, sử dụng hiệu quả hơn ứng dụng này.
Được sự cho phép, tạo điều kiện của Đảng ủy – BGH nhà trường, hôm nay, ngày 01/11/2024, nhóm nghiên cứu tổ chức Hội thảo nhằm mục đích lắng nghe, trao đổi với các chuyên gia về chatGPT, lắng nghe ý kiến trao đổi của các thầy cô giáo và các bạn học sinh về những khó khăn, cơ hội và tác động của ứng dụng này để từng bước hoàn thiện các mục tiêu của dự án. Đến dự Hội thảo có NGƯT Đỗ Thị Diệu Thúy - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Lê Quang Ngọc - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh.
Mở đầu Hội thảo, hai tác giả dự án đã trình bày báo cáo nghiên cứu sơ bộ về thực trạng sử dụng và những ảnh hưởng của chatGPT đến quá trình học tập của học sinh. Dựa trên kết quả khảo sát 2570 đối tượng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những kết luận ban đầu về tác động của chatGPT đến học tập của học sinh ở cả hai phương diện tích cực và tiêu cực.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO
Hội thảo còn được lắng nghe ý kiến phát biểu của đồng chí Lê Quang Ngọc - phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh về một số giải pháp và đề xuất kiến nghị với các cấp quản lí giáo dục để việc ứng dụng chatGPT trong giáo dục tránh được những hạn chế và khắc phục tình trạng thiếu trung thực của học sinh khi sử dụng ứng dụng này. Kết thúc hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hải, phó hiệu trường nhà trường đã đánh giá cao những hoạt động của nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của các dự án nghiên cứu khoa học đối với các hoạt động giáo dục chung của nhà trường.
Hội thảo thực sự đã đem đến những tiếng nói hữu ích cho giáo viên và học sinh trường chuyên Hạ Long nói riêng và những người quan tâm đến chatGPT nói chung những góc nhìn, quan điểm và giải pháp để đưa ứng dụng này đến gần hơn với giáo viên và học sinh, góp phần hỗ trợ công tác dạy học của thầy và trò nhà trường đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục trong thời đại số.
Trương Hằng