KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Thứ bảy - 27/04/2024 01:12
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, miền Bắc nước ta được giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, ở miền Nam, đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp, thiết lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Trước yêu cầu lịch sử của cách mạng cả nước, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối kết hợp giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam tới thắng lợi vẻ vang.

Từ năm 1954 đến năm 1975, nhân dân cả nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Trong suốt 21 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã thi hành nhiều chính sách tàn bạo. Trước những tội ác của đế quốc xâm lược và tay sai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần đấu tranh anh dũng, hi sinh quên mình vì độc lập tự do, quân và dân ta trên cả hai miền đất nước đã làm nên những chiến thắng vang dội làm phá sản các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari (27/1/1973), rút hết quân về nước, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Đến cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 diễn ra với ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (10/3 - 24/3/1975), Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21/3 - 29/3/1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 - 30/4/1975). Với những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt, đẩy quân địch vào tình trạng tuyệt vọng, không thể thoát khỏi sự sụp đổ hoàn toàn. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang - những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các Sài Gòn, Dương Văn Minh (vừa lên chức Tổng thống Chính phủ Sài Gòn ngày 28/4) đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Xe tăng T-59 mang số hiệu "390" húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập

Trên đà chiến thắng, từ ngày 30/4/1975, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 1/5/1975, toàn bộ lãnh thổ đất liền miền Nam được giải phóng. Cùng với các tỉnh ở đất liền, ngày 30/4/1975, các chiến sĩ yêu nước bị địch giam giữ ở đảo Côn Sơn nổi dậy làm chủ hoàn toàn đảo này. Ngày 2/5/1975, quân giải phóng phối hợp cùng nhân dân tiến công và nổi dậy, giành quyền làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trước đó, từ những ngày đầu tháng 4/1975, trong quá trình giải phóng các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, quân và dân miền Nam đã giải phóng một loạt các đảo ở dọc bờ biển. Ngày 14/4, Quân khu 5 phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn chiếm giữ.

Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam; là chiến thắng của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Nói về sự kiện này, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (14/2/1976), đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Chiến tranh đã lùi xa, lớp bụi thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ trong cuộc sống, nhưng những cống hiến, hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước sẽ vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Giờ đây, mỗi sớm mai thức dậy, được chào đón ngày mới yên bình, hạnh phúc, chúng ta càng thấm thía giá trị cuộc sống độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất. Để rồi trong niềm vui hân hoan thái bình ấy, chúng ta càng thêm biết ơn công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu đã dành cho nước cho dân, công lao của hàng triệu người con ưu tú khác đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; càng trân trọng thành quả cách mạng của dân tộc, trân trọng nền hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay. Hướng tới kỷ niệm ngày “Đất nước trọn niềm vui” (30/4), với tất cả tinh thần biết ơn Đảng, ơn Bác, ơn các bậc tiền bối, chúng ta kiên quyết bảo vệ những gì đã giành được, nỗ lực phấn đấu hết sức mình, giữ vững độc lập tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, để con cháu Lạc Hồng hôm nay và muôn đời sau luôn được sống trong hòa bình, hạnh phúc.

Đảng bộ Chuyên Hạ Long

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây