Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Người Anh cả của Quân đội, văn võ sáng giữa lòng dân

Chủ nhật - 22/08/2021 12:40
Từ một thầy giáo dạy lịch sử trở thành Đại tướng, Tổng tư lệnh ông được lịch sử và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn vì “Văn lo vận nước văn thành võ/Võ thấu lòng dân võ hóa văn”. Ông là đại tướng đầu tiên của quân đội ta, cũng là đại tướng thắng nhiều đại tướng nhất. Nhưng ông cũng là vị tướng luôn tiếc thương từng giọt máu của người chiến sĩ. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã không chỉ được khắc ghi trong lịch sử dân tộc mà còn lừng danh thế giới và luôn ngời sáng mãi trong lòng dân…

Ca ngợi tài năng, đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Vũ Khiêu viết: “Võ công truyền quốc sử. Văn đức quán nhân tâm”.

Võ Nguyên Giáp (1911-2013) xuất thân trong một gia đình có bảy người con tại làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Cụ thân sinh của ông vốn là một nhà nho nghèo, không có ruộng tư, được chia 2,5 mẫu ruộng công điền. Khi gieo trồng phải đi vay vốn, vay bằng tiền, nhưng ghi nợ bằng thóc, khi trả tính cả vốn lẫn lãi. Nhiều vụ hè, Võ Giáp theo mẹ chèo thuyền đi trả nợ. Mẹ đội thóc từ thuyền lên, chủ nợ cầm cái quạt tàu to tướng, quạt mạnh cho bay hết hạt lép, chỉ lấy hạt chắc. Những ký ức tuổi thơ như thế đã trở thành những dẫn chứng sinh động để 10 năm sau (1937) Võ Giáp cùng với đồng chí Trường Chinh viết cuốn “Vấn đề dân cày” và đi đến kết luận: "Sống dưới chế độ bóc lột phong kiến-tư bản, dân cày Đông Dương đã quá xơ xác, điêu linh".

Trường Quốc học Huế, nơi Võ Nguyên Giáp đã theo học (1924-1927).

Năm 14 tuổi, Võ Giáp vào Trường Quốc học Huế, ông bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi phong trào đấu tranh của nông dân, trí thức, học sinh Trung Kỳ chống sưu cao thuế nặng, đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan trở thành thần tượng đầu đời của anh học trò thông minh, giàu lòng yêu nước Võ Giáp. Trong bộ phim tài liệu: “Giọt nước giữa đại dương”, Đại tướng kể lại rằng: Cứ thứ 5 hằng tuần, chúng tôi đến thăm “Ông già Bến Ngự”, nghe cụ Phan hô hào thanh niên phải yêu nước, phải đứng lên. Những câu thơ “Dậy! Dậy! Dậy! Bên án một tiếng gà vừa gáy”, “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”… khiến thanh niên chúng tôi bừng bừng lên như lửa. Nhóm học sinh tiến bộ của Võ Nguyên Giáp rủ nhau lên thượng nguồn sông Kiến Giang, tuyên thệ lập hội kín với mục đích đánh Tây.

Năm 1927, Võ Giáp viết bài báo "Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học", tố cáo nền giáo dục ngu dân và quy chế cấm đọc sách báo yêu nước. Sau bị đuổi học vì tổ chức bãi khóa, ông về quê rồi vào làm tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư, tòa soạn báo Tiếng dân. Tại đây Võ Giáp có điều kiện tiếp xúc với những tri thức tiến bộ; ông đặc biệt ấn tượng với "Bản án chế độ thực dân Pháp", báo "Người cùng khổ" (Le Paria) và một số bài viết của Nguyễn Ái Quốc. Như sau này ông có lần tâm sự: "Bài luận văn của Nguyễn Ái Quốc đã gây cho chúng tôi một lòng căm phẫn sâu sắc như một luồng điện giật".

Võ Nguyên Giáp thời trẻ cùng một số bài báo với bút danh Hải Thanh, Vân Đình trên báo "Tiếng Dân" (1929-2930).

Năm 1928, khi mới 18 tuổi, Võ Nguyên Giáp tham gia đảng Tân Việt, phụ trách công tác tuyên huấn, ông đi khắp ba miền phổ biến đường lối khối liên hiệp quốc dân, vận động các kỳ bộ Tân Việt chuyển sang hàng ngũ cộng sản. Chính Võ Nguyên Giáp và nhóm hạt nhân cộng sản đầu tiên trong Tân Việt đã thúc đẩy quá trình cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn và hợp nhất vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930 Võ Nguyên Giáp bị bắt giam, đến năm 1931 thoát khỏi nhà tù thực dân, ông ra Hà Nội dạy học, tham gia Mặt trận dân chủ Đông Dương, làm báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh.

Năm 1940, Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, ông được Cụ Hồ giáo dục, rèn luyện, giao đảm trách nhiều công việc và ngay từ rất sớm đã được Người định hướng phải học thêm về quân sự. GS. TS Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam kể: Trong một buổi gặp, sau khi trao đổi với cả hai người về tình hình cách mạng trong nước, Bác Hồ nói: “Chú Tô (bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng) thì học thêm về quản lý, còn “cô” Văn thì học thêm về quân sự”. Bác thường gọi “cô” Văn vì đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đó dáng người rất thư sinh.

Cuộc gặp mặt của các nhà yêu nước ở khách sạn Lạc Xuân, Hàng Bông, Hà Nội năm 1938.

Giữa năm 1944, cuộc khủng bố của thực dân Pháp tại Cao-Bắc-Lạng lên đến cực điểm. Bác Hồ nhận định, thời kỳ cách mạng phát triển hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa đến, Người quyết định thành lập một đội tuyên truyền vũ trang đầu tiên.

Võ Nguyên Giáp kể lại rằng, trong một cuộc họp, sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Người quay sang hỏi: Việc này giao cho chú Văn phụ trách, chú có làm được không?

Anh Văn khi đó có chút bất ngờ, nhưng vẫn quả quyết: Dạ, có thể được.

Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944.

Bằng câu trả lời ngắn gọn đó, Võ Nguyên Giáp chính thức lãnh sứ mệnh cầm quân đánh giặc. Trong cuốn sách “Võ Nguyên Giáp-Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”, tác giả Trần Trọng Trung viết, một đêm hạ tuần tháng 9-1944, nằm với Bác trên chiếc giường ghép bằng thân cây trong căn lều giá lạnh giữa rừng Pác Bó, Võ Nguyên Giáp được nghe Bác căn dặn những điều ngắn gọn, “vỡ lòng” nhưng cơ bản nhất về đường lối quân sự cách mạng Việt Nam. Đội Quân giải phóng phải có chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo, phải dựa chắc vào dân…. Về phần người phụ trách cầm quân, Bác nói ngắn gọn mấy từ Dĩ công vi thượng. Lời dạy sâu sắc đó đã trở thành cẩm nang định hướng hành động cho cả một đời làm tướng của ông sau này.

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính thức thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt đội quân từ 34 chiến sĩ, với vũ khí trang bị thô sơ, từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Bốn năm sau, ngày 28-5-1948, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên trong quân đội khi mới 37 tuổi. Buổi lễ hôm đó, Bác Hồ tay cầm Sắc lệnh, bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Người nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” Bác bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Rồi Bác nói tiếp: “…Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”.

Tháng 5-1948, tại Lục Rã, chân đèo Re (phía Tuyên Quang), Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quân hàm Đại tướng cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Khi trả lời một phóng viên phương Tây về tiêu chuẩn phong quân hàm này, Bác nói: Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng.

Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, là người phụ trách công tác quân sự của Đảng, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy trận đánh ở Hà Nội với 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân và lực lượng tự vệ Thành mới thành lập, súng đạn cực kỳ thiếu thốn. Bằng chiến thuật “trùng độc chiến”, trong đánh ngoài vây, quân ta đã cầm chân quân Pháp trong suốt 60 ngày đêm trong thành phố.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc (1949)

Mùa Đông năm 1947, trước thế giặc rất mạnh, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp được nghe báo cáo có 1 đại đội bị lạc đơn vị đã nương tựa vào nhân dân Hà Bắc, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng trong lòng địch. Câu chuyện đã lóe lên trong đầu vị tướng thiên tài một giải pháp mà bấy lâu ông đang tìm kiếm. Ông đề nghị với Đảng và Bác Hồ cho phân tán bộ đội thành những đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung, đưa đại đội về các địa phương phát động chiến tranh du kích; dùng tiểu đoàn vận động đánh những trận nhỏ, tiêu diệt và tiêu hao quân địch. Hai vạn quân Pháp tung vào Việt Bắc không thể tìm thấy bộ đội chủ lực của ta, trở thành những đơn vị chiếm đóng nhỏ, chơ vơ giữa núi rừng, lại phải đối phó với những trận tập kích, không thể bảo vệ nổi các tuyến tiếp tế hậu cần trên bộ và trên sông. Ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh của quân Pháp vì thế bị thất bại thảm hại.

Tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, hầu hết chủ lực của ta đều được huy động cho chiến dịch. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới mặt trận, bộ phận đi trước đã chọn thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá, ông trực tiếp đi trinh sát và quyết định chuyển điểm đột phá về Đông Khê. Theo PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, khi đó, địch ở Cao Bằng có tới ba tiểu đoàn, còn ở Ðông Khê chỉ có một tiểu đoàn, nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta lúc bấy giờ. Vả lại, nếu đánh chiếm được Ðông Khê, Cao Bằng sẽ bị cô lập và địch thế nào cũng cho quân lên ứng cứu, lúc đó ta có thể tiêu diệt chúng ngoài hệ thống công sự, giữa núi rừng trùng điệp. Nhờ sự thay đổi này, quân ta đã giành thắng lợi, góp phần khai thông thế bế tắc cho căn cứ địa Việt Bắc, mở thông biên giới với các nước anh em. Còn đối với người Pháp, đây là trận thua lớn nhất trong chiến tranh thuộc địa Pháp từ khi tướng Montcalm thua Anh và chết ở Canada năm 1759 (Sách “Những trận lớn trong lịch sử” (SOCOMER-Paris).

Tiếp đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân ta mở và giành thắng lợi ở nhiều chiến dịch như: Đồng Bằng (5/1951), Hòa Bình (12/1951- 2/1952), Tây Bắc (10-12/1952), Thượng Lào (4-5/1953).

Sau những thất bại liên tiếp, năm 1953, H.Navarre Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp lên kế hạch giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra chiến lược phá địch bằng cách mở nhiều hướng tiến công, phân tán khối quân cơ động lớn của Navarre ở đồng bằng Bắc Bộ. Tây Bắc được chọn là hướng chính, Điện Biên Phủ trở thành trận quyết chiến chiến lược.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đến mặt trận, mọi công tác chuẩn bị cho phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” đã hoàn tất. Nhưng so sánh tương quan lực lượng, vì sự thành công của chiến dịch, tính mạng người lính trên chiến trường, không thể mạo hiểm dốc toàn lực "đánh nhanh, thắng nhanh", phơi lưng trong thế trận pháo đài chiến lũy kiên cố của kẻ thù. Nhớ lời Bác dặn trước lúc lên đường "tướng quân tại ngoại", nhưng “chắc thắng mới đánh”, Đại tướng đã quyết định chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Ông kể lại:

Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng... Tôi cảm thấy như cả tháng trôi qua...

Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và nghị quyết Trung ương hồi đầu năm lại văng vẳng bên tai: "Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!".

Đêm ngày 25 tháng 1 năm 1954, tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức... và...

Văn phòng thông báo cuộc họp Đảng ủy mặt trận... Tôi trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu... Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ..."

Mặc dù trong buổi họp nhiều ý kiến chưa thông suốt với cách chuyển hướng chiến lược trận đánh, nhưng trước lời dạy của Hồ Chí Minh.

"Tôi kết luận:

... "Đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công...

Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình"

(Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn tướng tài cho "trận khủng khiếp nhất" - Báo Nhân dân)

Chính nhờ quyết định sáng suốt này, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng với sự hy sinh xương máu thấp nhất, đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương. Đại tướng Lê Trọng Tấn và nhiều cán bộ sau này đã nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong đánh Mỹ”.

Bước vào kháng chiến chống Mỹ, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã xây dựng một quân đội vững về chính trị, mạnh về quân sự, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc chiến tranh nhân dân. Có thể nói, không một quân chủng, binh chủng nào được xây dựng, trưởng thành mà không mang dấu ấn của ông.

Cuối năm 1967, hoạt động của bộ đội ta rộ lên ở phía tây đường 9. Trong lúc Mỹ-ngụy chờ đợi một Điện Biên Phủ mới ở Khe Sanh thì Tết Mậu Thân 1968, cuộc tổng tiến công của ta nổ ra ở Sài Gòn, Huế và trên 100 thị xã, đô thị miền Nam, buộc Nhà trắng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn hòa đàm ở Paris. Tiếp đó, chiến dịch đường 9 – Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719, rồi đến chiến dịch Trị Thiên (1972) giành thắng lợi vang dội, đều in đậm dấu ấn chỉ huy tài tình của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, với tài thao lược kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dự kiến sớm phương án đánh cho quân Mỹ thua ngay trên bầu trời Hà Nội. Hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng viết: Tháng 9-1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận định: Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng. Ngay trong ngày hôm sau, nhân danh Bí thư Quân ủy Trung ương, tôi chỉ thị cho các đảng bộ trong toàn quân: “B52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không-Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”.

Đầu tháng 9-1972, kế hoạch đánh B52 của ta đã hoàn thành. Khi trận chiến diễn ra, Đại tướng xuống nhiều trận địa tên lửa, sở chỉ huy phòng không kiểm tra tình hình. Bội đội ta bị thiếu đạn, ông chỉ thị khẩn trương lắp ráp đạn tên lửa, không dùng tên lửa bắn máy bay cường kích, mà dùng để đánh B52. Chỉ thị này đã góp phần làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” nức lòng quân dân cả nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam diễn ra gay go và ác liệt, cần thiết phải có một con đường để hành quân và vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường lớn. Năm 1959, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. Khi đó, ông đã có những chỉ thị rất cụ thể: “Việc mở đường không được ai biết, không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật, một mẩu thuốc là cũng có thể tạo nên một vật chứng làm hỏng việc lớn...”. Hai con đường huyết mạch huyền thoại xuyên rừng, vượt biển đó đã thay đổi thế cờ của cuộc chiến ở miền Nam, góp phần có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Khi thời cơ chiến lược đã đến, cần có những trận quyết chiến chiến lược để giành toàn thắng, tuy nhiên vẫn còn ý kiến tranh luận nên chọn hướng chiến trường chính và mục tiêu tiến công ở đâu. Tháng 12-1974, Bộ Chính trị họp mở rộng, sau khi nghe Bộ Tổng tham mưu trình bày dự kiến Kế hoạch quân sự năm 1975, thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Trong kế hoạch quân sự 1975-1976 cần phải ghi rõ diệt địch ở Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột. Có thể sau khi ta tiêu diệt Buôn Ma Thuột, địch sẽ rối loại, khi đó ta phải chớp thời cơ giải phóng Huế. Nếu lúc đó, ta chậm chân, mỏi mệt, để mùa mưa đến, thì lỡ mất thời cơ. (Tổng hành dinh mùa Xuân toàn thắng)

Nhiều nhà nghiên cứu quân sự sau này nhận định, đòn đánh vào Buôn Ma Thuột thực sự là một đòn “điểm huyệt” vào toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch, đưa chúng đến chỗ tan rã nhanh chóng.

Khi Quân đoàn 2 của địch tan rã trên đường rút chạy khỏi Tây Nguyên. Ngày 18-3-1975, Đại tướng thay mặt Quân ủy Trung ương đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý cho giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976. Ông hạ lệnh cho quân đoàn 1 lên đường, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quảng-Đà vừa mới thành lập nhanh chóng tiến công Đà Nẵng.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng viết: Ngày 26-3 tại Tổng hành dinh đề nghị của anh Tấn (Thượng tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh mặt trận Quảng-Đà) chuẩn bị chiến đấu 5 ngày. Tôi phân tích ngắn gọn, nêu rõ tình huống địch tử thủ, ta chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi, tôi chỉ thị làm kế hoạch đánh địch theo hướng chúng rút trong 3 ngày, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công lên, không họp Đảng ủy, chỉ trao đổi bằng điện thoại. Khi tướng Tấn còn phân vân, tôi nói giọng có phần gay gắt: Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh, nếu là người khác thì tôi ra lệnh. Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày.

Thượng tướng Lê Trọng Tấn đã chấp hành nghiêm chỉ thị, chỉ trong 32 giờ bộ đội ta đánh tan 100.000 quân địch, giải phóng Đà Nẵng. Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…" cho toàn quân xốc tới tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Cùng với đó, bằng tầm nhìn xa trông rộng, ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định cực kỳ sáng suốt và kịp thời khi kiến nghị với Bộ Chính trị vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ. Theo lệnh của Đại tướng, bộ đội ta thu hồi lần lượt các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, đến 28-4-1975, thu hồi đến đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tư duy chiến lược của một nhà quân sự còn thể hiện sau này trên cương vị Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển, đồng thời có những chỉ thị vượt thời gian: “Kinh tế vùng biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện được đời sống của dân, vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, để giữ vững chủ quyền biển, đảo” (“Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm” - Trần Thái Bình).

Theo PGS, TS Trần Ngọc Long - Nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, người ta nói đến Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng nhân văn, bởi với ông chiến thắng không phải là giành lấy bằng mọi giá, mà phải luôn đi liền với việc giảm đến mức thấp nhất hy sinh xương máu của bộ đội. Theo Thượng tướng Hoàng Minh Thảo thì “Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”. Nhiều đêm ông thao thức, nước mắt ướt đầm vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng.

Đỉnh cao của tư tưởng quân sự nhân văn, nhân đạo và hòa bình trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn thể hiện ở quan điểm tránh "tiêu diệt sạch sành sanh, đánh đến tên giặc cuối cùng". Chính vì lẽ đó mà nhiều người từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi... đều dành cho ông sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.

Ở Đại tướng luôn sáng ngời tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là đạo làm tướng mà Bác Hồ đã chỉ ra: "Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung" luôn được ông thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Dù bản thân cũng phải chịu những mất mát lớn khi người vợ, người đồng chí của ông, bà Nguyễn Thị Quang Thái bị địch bắt và hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò, cha ông bị giặc Pháp bắt giam rồi thủ tiêu, mãi sau ngày đất nước thống nhất, gia đình mới tìm thấy phần mộ để đưa về an táng tại quê nhà. Thế nhưng trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn hay thuận lợi, Đại tướng luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, như sinh thời ông đã bộc bạch: “sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Thật là:

Tác giả: Theo QĐND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây